Du lịch Tâm linh Tây nguyên - đại diện hai tỉnh Đăk lăk và Lâm đồng
2.342 người đã xem · Bình luận ·

Du lịch Tâm linh Tây nguyên - đại diện hai tỉnh Đăk lăk và Lâm đồng

Nhóm Tình Thương Vì Nhân Loại chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với cao nguyên trung phần của tổ quốc. Có lẽ cái tên Đắk Lắk và Lâm Đồng không mấy xa lạ với tất cả chúng ta bởi những địa danh đó đã gắn liền với bao sự kiện đáng nhớ của lịch sử dân tộc

Nhóm Tình Thương Vì Nhân Loại chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với cao nguyên trung phần của tổ quốc. Có lẽ cái tên Đắk Lắk và Lâm Đồng không mấy xa lạ với tất cả chúng ta bởi những địa danh đó đã gắn liền với bao sự kiện đáng nhớ của lịch sử dân tộc

NỘI DUNG CHI TIẾT

Du lịch tâm linh Đắk Lắk và Lâm Đồng

Vậy là Nhóm Tình Thương Vì Nhân Loại chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với cao nguyên trung phần của tổ quốc. Có lẽ cái tên Đắk Lắk và Lâm Đồng không mấy xa lạ với tất cả chúng ta bởi những địa danh đó đã gắn liền với bao sự kiện đáng nhớ của lịch sử dân tộc. Cũng như nhiều chuyến đi trước đây, lần này chúng tôi đến với những địa danh này để hòa hợp tâm linh, hóa giải những mâu thuẫn hận thù và khai phóng những vong linh chưa được siêu thoát.

Ngày thứ nhất tại Đắk Lắk

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, ngôi chùa lớn nhất Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk là điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi. Cái tên Khải Đoan được ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu (bà Từ Cung)– người đã cho xây dựng ngôi chùa vào năm 1951. Đây là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến. Có thể nói Chùa Sắc Tứ Khải đoan là cái nôi của Phật Giáo Tây Nguyên, bởi từ đây hàng trăm ngôi chùa trong tỉnh Đắk Lắk được hình thành. 

 

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Rời Khải Đoan, chúng tôi đến với Nhà Đày Buôn Ma Thuột. Người Pháp đã cho xây dựng nơi này thời kỳ 1930 – 1931 để giam giữ những người Việt Nam yêu nước bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, đặc biệt là những người đi đầu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngày nay nơi đây là điểm đến tham quan và học hỏi lịch sử của nhiều thế hệ học sinh. Đoàn chúng tôi đã gặp gỡ rất nhiều các em học sinh theo thầy, cô giáo đến tìm hiểu lịch sử tại nơi này. 

 

Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến với Biệt Điện Bảo Đại. Ngôi nhà này trước đây vốn là nơi ở của Sabatier - Công sứ của chính phủ Pháp tại Tây Nguyên. Sau đó khu nhà được xây dựng lại cho vua Bảo Đại ở khi đi săn tại Đắk Lắk, từ đó nơi này có thêm một cái tên mới, Biệt Điện Bảo Đại được. Năm 1945, nơi đây đã diễn ra lễ ăn thề kết nghĩa anh em của các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Sau khi chính phủ của cựu hoàng Bảo Đại sụp đổ toà, nhà được sử dụng làm nhà nghỉ cho các tướng tá chính quyền Việt Nam Cộng hòa mỗi khi công cán tại Đắk Lắk. Ngày nay Biệt Điện Bảo Đại trở thành Bảo Tàng Các Dân Tộc Việt Nam tại Đắk Lắk. Ở đây trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị về văn hoá của hơn 44 dân tộc anh, em đang sinh sống tại Đắk Lắk. Không gian văn hóa cồng chiêng và bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên được thể hiện rất rõ nét ở nơi này.

 

Biệt Điện Bảo Đại, Đắk Lắk

Đến Đắk Lắk, chúng ta không thể bỏ qua Tháp Chàm Yang Prong, địa danh mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm ở Tây Nguyên. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỉ XIII, được một nhà thám hiểm người Pháp phát hiện ra. Tháp có chiều cao 9m, đáy vuông mỗi cạnh dài 5m, có một cửa mở về phía Đông. Yang Prông có nghĩa là tháp thờ Thần Lớn, vị thần chuyên cai quản mùa màng theo quan niệm của người Chăm cổ. 


Tháp Chàm Yang Prong, Đắk Lắk

 Kết thúc ngày đầu tiên của chuyến đi, chúng tôi đã đến với Hồ Lắk. Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và lớn thứ hai Việt Nam sau Hồ Ba Bể. Hồ rộng trên 5 km², được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thắm và được bao bọc bởi những dãy núi cao và các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động, thực vật phong phú. Theo truyền thuyết Hồ Lắk được tạo ra bởi anh hùng Lắk Liêng người dân tộc M'Nông. Hồ nằm cạnh rất nhiều di tích lịch sử như Buôn Jun, một buôn làng nổi tiếng của người M'Nông, Biệt Điện Bảo Đại và Nhà Dài của người M'Nông.


Hồ Lắk, Đắk Lắk

Ngày thứ hai tại Lâm Đồng

Rời Đắk Lắk chúng tôi tiến về Lâm Đồng, nơi có thành phố Đà Lạt được mệnh danh là xứ sở của hoa Đào và Mimosa. Chúng tôi bắt đầu một ngày mới tại Chùa Linh Phước hay còn gọi là Chùa Ve Chai vì trong sân chùa có con rồng dài 49 m được làm bằng 12.000 vỏ chai, lọ. Chùa Linh Phước là một công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc của thành phố Đà Lạt. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1949, hoàn thành năm 1950.


  Chùa Linh Phước (Chùa Ve Chai), Đà Lạt, Lâm Đồng

Tạm biệt Chùa Ve Chai, chúng tôi thẳng tiến đến Chùa Thiên Vương Cổ Sát hay còn gọi là Chùa Phật Trầm hay chùa Tàu, một ngôi chùa tọa lạc trên đồi Rồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km về hướng Đông Bắc. Chùa được hòa thượng Thọ Dã thuộc Hội quán Triều Châu xây dựng năm 1958 gồm 3 gian nhà bằng gỗ lợp tôn. Năm 1989, ông Lê Văn Cảnh đã đứng ra trùng tu xây dựng lại. Khi trùng tu ngôi nhà giữa đã được tháo dỡ nhằm tạo không gian thông thoáng cho hai tòa nhà còn lại. Chùa mang đậm giá trị và phong cách kiến trúc chùa của người Hoa và hội quán. Các tăng ni, Phật tử trong chùa đều nói tiếng được tiếng Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là một trong những điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch khi họ đến với Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt.

 

Chùa Thiên Vương Cổ Sát, Đà Lạt, Lâm Đồng

Với chúng tôi, việc hòa hợp các tôn giáo là điều vô cùng cần thiết bởi vì xét về bản chất các tôn giáo đều giống nhau ở chỗ họ răn dạy con người về tính hướng thiện. Vì vậy, trong chuyến đi này, cùng với việc đến thăm các ngôi chùa của Phật Giáo, chúng tôi cũng đến với những thánh đường Thiên Chúa Giáo. Nhà Thờ Chính Tòa Đà Lạt hay còn gọi là Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Nicôla Bari, hay còn có tên gọi khác là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn. Nhà thờ này được chính thức khởi công vào ngày 19 tháng 7 năm 1931 do Giám mục Colomban Dreyer đặt viên đá đầu tiên và công trình được xây dựng trong suốt 11 năm ròng. Đây là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt và là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. 


 

Nhà Thờ Chính Tòa Đà Lạt, Lâm Đồng

Rời thành phố Đà Lạt, chúng tôi đến với núi Langbiang, cách thành phố Đà Lạt 12 km thuộc địa phận huyện Lạc Dương. Langbiang được ví như "nóc nhà" của Đà Lạt, và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố này. Theo truyền thuyết của dân tộc K’Ho, Langbiang - là tên ghép của chàng K’lang và nàng H'biang. Chàng K’lang (người Lát, một nhánh của dân tộc K’Ho) và nàng H'biang (người Chil, một nhánh khác của dân tộc K’Ho) tình cờ gặp nhau trong một lần lên rừng hái quả. H'biang gặp nạn và chàng K’lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ. Thế rồi họ đem lòng yêu nhau nhưng tình yêu của họ đã bị ngăn cản bởi lòng thù hận giữa hai tộc người này. Vượt qua tục lệ khắt khe và lễ giáo, hai người vẫn quyết tâm trở thành chồng vợ, và họ bỏ đến một nơi trên đỉnh núi để sinh sống. Khi H'biang bị bệnh, K’lang tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng đành quay về báo cho buôn làng để tìm cách cứu nàng. Bộ tộc của nàng H'biang rất căm ghét chàng và họ đã dùng mũi tên có tẩm thuốc độc hòng giết chàng, nhưng H’biang đã đỡ mũi tên đó cho chàng. Đau buồn khôn xiết, K’lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn thành dòng suối lớn, ngày nay gọi là Đạ Nhim (suối khóc). Sau cái chết của hai người, cha H’biang rất hối hận và đã đứng ra thống nhất các bộ tộc thành một dân tộc có tên là K’Ho. Từ đó các đôi nam nữ trong làng dễ dàng đến với nhau. 

 

Langbiang, Đà Lạt, Lâm Đồng

Kết thúc hành trình, chúng tôi đến với Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế, giáo xứ Tùng Lâm. Tùng Lâm nằm về hướng Bắc thành phố Đà Lạt và tại cây số 7 trên con đường đi Suối Vàng. Giáo xứ Chúa Cứu Thế Tùng Lâm Đà Lạt được thành lập gần 60 năm trước do các Cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Chúng tôi ghé thăm giáo xứ Tùng Lâm đúng vào dịp Lễ Phục Sinh với nhiều tâm trạng, cảm xúc, và mong rằng bà con giáo dân nơi đây sẽ luôn hạnh phúc, bình yên. 

 

Giáo xứ Chúa Cứu Thế Tùng Lâm, Đà Lạt

Đắk Lắk - Lâm Đồng là một hành trình dài, đặc biệt đối với những thành viên cao tuổi trong đoàn chúng tôi. Giác ngộ và tình thương là những động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, mệt nhọc về thể xác để đến với những địa danh trên. Chúng tôi luôn mong muốn giác ngộ và tình thương sẽ luôn được chia sẻ và lan tỏa rộng rãi ở những vùng đất chúng tôi đã đến và sẽ đến trong tương lai.


Nhóm Tình Thương Vì Nhân Loại chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với cao nguyên trung phần của tổ quốc. Có lẽ cái tên Đắk Lắk và Lâm Đồng không mấy xa lạ với tất cả chúng ta bởi những địa danh đó đã gắn liền với bao sự kiện đáng nhớ của lịch sử dân tộc

Người ghét người thương
18.878 người đã xem
Liên hệ:
0976 715 341
Video giới thiệu ngành học MEL
Kim tự tháp đôi
0 người đã mua
0 đ chiếc
để đặt mua